Phong hiệu Công_chúa

Tước hiệu Công chúa tùy theo địa phương hoặc triều đại có thể mang những ý nghĩa khác nhau. Thời cổ đại, tước hiệu này thường chỉ phong cho các Hoàng nữ, nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, các phụ nữ quý tộc không phải là Hoàng nữ, thậm chí thuộc tầng lớp thấp hơn, do tài năng hoặc công tích đặc biệt, cũng được Hoàng đế phá lệ phong tước hiệu Công chúa.

Trong các điển tịch Trung Quốc, từ Công chúa thường được giản xưng là "Chủ" (主), Công chúa lấy chồng xưng là "Thích" (適), người cưới Công chúa thì xưng là "Thượng" (尚). Mỗi Công chúa thường có một phong hiệu để tránh gọi tên thật, kèm đất phong để làm thực ấp (thường gọi là Thang mộc ấp, 湯沐邑). Thông thường, những phong hiệu này thuộc trong 3 dạng:

  • Theo tên tiểu quốc: như Ninh Quốc công chúa, Hoắc Quốc công chúa, Kỳ Quốc công chúa, Trấn Quốc công chúa,...
  • Theo tên quận: như Tân Thành công chúa, Trường Lạc công chúa, Bình Nguyên công chúa, Bình Dương công chúa,...
  • Theo mỹ tự: như Văn Thành công chúa, An Lạc công chúa, Thái Bình công chúa,...

Các phong hiệu công chúa không nhất thiết cố định mà có thể được thay đổi. Như trường hợp Thăng Bình công chúa sau được phong là Tề Quốc công chúa. Thời nhà Tống, các công chúa khi vừa sinh ra là có danh hiệu theo lối mỹ tự, sau khi gả chồng thì được đổi từ mỹ tự thành tên tiểu quốc. Sang các đời Minh, Thanh thì lại đơn thuần là mỹ tự.